Trách nhiệm cụ thể về quản lý chất lượng công trình xây dựng

1 – Đối với Chủ đầu tư:

Chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư do mình quản lý. Nếu thành lập Ban quản lý dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án phải có đầy đủ điều kiện năng lực theo quy định. Chỉ được ký hợp đồng giao nhận thầu đối với những tổ chức tư vấn doanh nghiệp xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, theo quy định hiện hành. Được quyền yêu cầu những đơn vị liên quan, theo hợp đồng, giải trình về chất lượng vật liệu, thiết bị, công việc… và có quyền từ chối nghiệm thu. Khi Chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải thuê tổ chức Tư vấn có đủ năng lực thực hiện các công việc liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng như: Giám sát thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị, đặc biệt đối với công tác quản lý chất lượng tại công trường, công tác nghiệm thu (cấu kiện, giai đoạn, hoàn thành) và việc đưa ra quyết định đình chỉ thi công trong những trường hợp cần thiết.

2 – Đối với đơn vị tư vấn:

– Chịu trách nhiệm về những quy định pháp lý đã nêu trong hợp đồng, đặc biệt là chất lượng sản phẩm và thời gian thực hiện cần phải đảm bảo nghiêm túc.

+ Phải sử dụng cán bộ có đủ năng lực cho mỗi công việc thực hiện theo quy định.

+ Phải có hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát chất lượng sản phẩm thiết kế của đơn vị.

+ Phải bồi thường thiệt hại do sản phẩm tư vấn của mình gây ra.

+ Phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định.

+ Không được chỉ định sử dụng các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật của một nơi sản xuất, cung ứng nào đó, mà chỉ được nêu yêu cầu chung về tính năng kỹ thuật của vật liệu hay vật tư kỹ thuật.

+ Không được giao thầu lại toàn bộ hợp đồng hoặc phần chính của hợp đồng cho một tổ chức tư vấn khác.

– Đảm bảo sản phẩm được thực hiện theo đúng nội dung các bước thiết kế đã quy định; phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng được áp dụng và nhiệm vụ thiết kế, hợp đồng giao nhận thầu thiết kế với chủ đầu tư.

– Đồ án thiết kế chỉ được thực hiện khi chủ nhiệm đồ án thiết kế và các chủ trì thiết kế có đủ năng lực theo quy định của Bộ Xây dựng. Người chủ nhiệm đồ án thiết kế và các chủ trì thiết kế phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng sản phẩm do mình thực hiện.

– Tổ chức tư vấn thiết kế phải có hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm thiết kế để kiểm soát chất lượng sản phẩm thiết kế.

– Tổ chức tư vấn lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công phải thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp theo quy định.

– Tổ chức tư vấn thiết kế không được giao thầu lại toàn bộ hợp đồng hoặc phần chính của nội dung hợp đồng cho một tổ chức tư vấn thiết kế khác.

– Việc nghiệm thu sản phẩm thiết kế phải lập biên bản theo mẫu quy định, trong đó có nêu rõ những sai xót (nếu có), thời gian khắc phục, bổ sung và kết luận về chất lượng.

3 – Đối với doanh nghiệp xây dựng:

– Phải đảm bảo chất lượng, an toàn, môi trường xây dựng tốt, cho công trình đang thi công, những công trình khác xungh quanh và khu vực lân cận.

– Chỉ được phép nhận thầu thi công những công trình thực hiện đúng thủ tục đầu tư và xây dựng, phù hợp với năng lực của mình; thi công đúng thiết kế được duyệt, áp dụng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đã được quy định và chịu sự giám sát, kiểm tra thường xuyên về chất lượng công trình của chủ đầu tư, tổ chức thiết kế và cơ quan giám định Nhà nước theo phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng;

– Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về thi công xây lắp công trình, kể cả những phần việc do nhà thầu phụ thực hiện theo quy định của hợp đồng giao nhận thầu xây lắp.

– Vật liệu thành phẩm hoặc bán thành phẩm, cấu kiện xây dựng sử dụng vào công trình phải có chứng nhận về chất lượng gửi cho chủ đầu tư để kiểm soát trước khi sử dụng theo quy định; tổ chức hệ thống bảo đảm chất lượng công trình để quản lý sản phẩm xây dựng, quản lý công trình trong quá trình thi công.

 Chất lượng thi công Xây – Lắp:

+ Doanh nghiệp phải tổ chức hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với hợp đồng giao thầu, trong đó cần có bộ phận giám sát chất lượng riêng của doanh nghiệp.

+ Lập đầy đủ, đúng quy định nhật ký thi công xây dựng công trình.

+ Chỉ được phép thay đổi, bổ sung vật liệu, khối lượng khi được Chủ đầu tư chấp thuận ( có biên bản ký nhận giữa các bên liên quan).

+ Báo cáo đầy đủ quy trình tự kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng.

+ Phối hợp với Chủ đầu tư và đơn vị giám sát, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nghiệm thu.

+ Báo cáo thường xuyên với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn và môi trường xây dựng.

+ Tổ chức nghiệm thu nội bộ trước khi mời đại diện chủ đầu tư nghiệm thu.

+ Đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng cho người, thiết bị và những công trình lân cận, kể cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực.

+ Lập hồ sơ hoàn công theo quy định hiện hành.

4 –  Đối với đơn vị Khảo sát xây dựng:

– Bao hàm khảo sát địa chất, thủy văn, khảo sát hiện trạng, đo đạc địa hình, đo đạc lún, nghiêng, chuyển dịch, … của công trình đang có.

– Nhiệm vụ khảo sát do đơn vị thiết kế lập, được chủ đầu tư phê duyệt phải phù hợp với quy mô, các bước thiết kế, tính chất công trình, điều kiện tự nhiên của khu vực xây dựng; đặc biệt khảo sát phải đủ, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, tránh lãng phí.

– Công việc khảo sát phải phù hợp nhiệm vụ đã phê duyệt, trong báo cáo phải kiến nghị về việc xử lý nền móng công trình xây dựng.

– Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc khảo sát bổ sung, do thiết kế đề nghị.

– Việc khảo sát không được xâm hại về môi trường, phải phục hồi lại hiện trạng ban đầu của hiện trường, theo những nội dung phục hồi đã ghi trong hợp đồng.

– Việc khảo sát không được xâm hại mạng lưới kỹ thuật công trình công cộng và những công trình xây dựng khác trong phạm vi địa điểm khảo sát.

5- Đối với đơn vị Giám sát thi công xây lắp:

– Phải có bộ phận chuyên trách (có thể là doanh nghiệp tư vấn) đảm bảo duy trì hoạt động giám sát một cách có hệ thống toàn bộ quá trình thi công xây lắp, từ khi khởi công đến khi nghiệm thu, bàn giao.

– Phải phân định nhiệm vụ, quyền hạn của giám sát trưởng, các giám sát viên chuyên trách cho từng công việc và thông báo công khai tại công trường và đảm bảo việc giám sát được thường xuyên, liên tục.

– Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu của dự án.

– Kiểm tra các điều kiện khởi công; điều kiện về năng lực các nhà thầu, thiết bị thi công (phù hợp hồ sơ dự thầu), phòng thí nghiệm của nhà thầu hay những cơ sở sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng (khi cần thiết); kiểm tra chứng chỉ xuất xưởng, chứng chỉ chất lượng thiết bị công trình.

– Lập đề cương, kế hoạch và biện pháp thực hiện giám sát.

– Kiểm tra chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn, môi trường của công trình, hạng mục công trình.

– Tổ chức kiểm định sản phẩm xây dựng khi cần thiết

– Kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công.

– Giúp chủ đầu tư tập hợp, kiểm tra và trình đơn vị quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kiểm tra hồ sơ, tài liệu nghiệm thu, trước khi tổ chức nghiệm thu (giai đoạn, chạy thử, hoàn thành).

– Giúp chủ đầu tư lập báo cáo thường kỳ về chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

– Giúp chủ đầu tư (hay được ủy quyền) dừng thi công, lập biên bản khi nhà thầu vi phạm chất lượng, an toàn, môi trường xây dựng.

– Từ chối nghiệm thu các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Lý do từ chối phải thể hiện bằng văn bản.

Bình luận về bài viết này