Phương pháp

PHƯƠNG PHÁP TOP- DOWN ANALYSIS TRONG PHÂN TÍCH CƠ BẢN

Theo các nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản, giá trị thực của cổ phiếu mới là cái cần quan tâm trước khi quyết định vào lệnh. Mua bán cổ phiếu cũng giống như chúng ta mua bán một món hàng bất kì, nếu mức giá trên thị trường tương đương hoặc thấp hơn giá trị thật, người mua sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho món hàng đó và ngược lại. Tuy nhiên trong việc phân tích cơ bản cũng có các trường phái khác nhau đó là top-down và bottom-up. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trường phái thứ nhất: top-down.

Trường phái top-down bắt đầu từ việc phân tích thị trường chung, còn bottom-up bắt đầu từ việc lựa chọn cổ phiếu. Điểm khác biệt cốt lõi của hai phương pháp định giá này bắt nguồn từ nhận thức về sự quan trọng của nền kinh tế và đặc điểm của một công ty trong việc định giá cổ phiếu của nó.

Phương pháp Top-down nhấn mạnh vào tầm quan trọng của bức tranh lớn, đó là toàn bộ nền kinh tế. Chính từ bức tranh này, nhà đầu tư sẽ phân tích sự tác động của toàn nền kinh tế tới các mảnh ghép nhỏ hơn chính là các ngành, các doanh nghiệp trong ngành, từ đó tìm hiểu về doanh nghiệp một cách tổng quát hơn. Sau khi nhà đầu tư nhận xét tình hình vĩ mô khá khả quan, nhà đầu tư sẽ tìm ra những ngành nào đang có lợi thế trong thời gian tiếp, tiếp đến là chọn ra các doanh nghiệp tốt nhất trong những ngành có lợi thế để đầu tư.

Để đánh giá được tình hình vĩ mô nền kinh tế, có các biến số cơ bản sau mà nhà đầu tư cần phải quan tâm: tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân, CPI, lạm phát, cán cân thương mại, tỉ giá hối đoái, lãi suất, thuế,… Ngoài ra nhà đầu tư có thể sử dụng các mô hình dự báo để dự đoán các biến số này trong thời gian tới để ước đoán khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Tiếp theo, nhà đầu tư hãy đi sâu vào tìm hiểu các ngành trong nền kinh tế, để xem ở giai đoạn tiếp theo nganh nào sẽ có khả năng tăng trưởng vượt bậc so với các ngành khác. Ở bước này, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các ngành hưởng lợi từ chính sách vĩ mô của nhà nước trong thời gian tới. Ví dụ như nếu năm sau giá điện nước có xu hướng tăng lên các ngành liên quan tới bán nước, cung cấp điện sẽ hưởng lợi, hoặc các hiệp ước FTA được kí kết các mặt hàng liên quan như thủy sản, dệt may có thể hưởng lợi.

Cuối cùng là việc đọc và phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong ngành để tìm là doanh nghiệp tốt nhất để đầu tư.

Cơ bản là như vậy, còn cụ thể về quy trình phân tích cơ bản Top-down chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu như sau.

Bước đầu tiên, tình hình vĩ mô nền kinh tế được đặt lên phân tích đầu tiên do tính ưu tiên cao nhất. Ngoài việc phân tích các chỉ số vĩ mô như đã kể trên nhà đầu tư còn nên chú ý tới các chính sách của chính phủ về thu chi ngân sách, chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước vì các tác động này có thể tạo một hiệu ứng mạnh mẽ lên nền kinh tế. Nhà đầu tư nắm vững tình hình kinh tế hiện tại mới có thể tìm được những ngành có lợi trong bước tiếp theo.

Bước thứ hai, nhà đầu tư cần quan tâm tới các ngành sẽ được hưởng lợi sau khi phân tích các tác động vĩ mô nền kinh tế. Trong trường hợp chính phủ tăng chi tiêu cho việc đầu tư xây dựng các công trình, đường xá, việc này sẽ làm tăng nhu cầu các loại máy móc, vật liệu, chuỗi cung ứng cho ngành xây dựng, ngoài ra việc này còn thúc đẩy các ngành vận tải phát triển tích cực. Nếu có những nghị định, chính sách kích cầu bất động sản, không chỉ có ngành bất động sản hưởng lợi mà còn có những ngành xây dựng, vật liệu như sắt thép hưởng lợi theo. Ngoài ra các ngành được hưởng lợi này đều cần vay nhiều vốn ngân hàng, như vậy cả ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi theo.

Bên cạnh đó, nhờ việc phân tích nền kinh tế vĩ mô ở bước đầu tiên, nhà đầu tư có thể dự đoán nền kinh tế đang bước tới chu kì nào, tăng trưởng, suy thoái, tiêu điều hay hồi phục. Và mỗi ngành sẽ có phản ứng tiêu cực, tích cực khác nhau tùy vào từng giai đoạn của chu kì nền kinh tế.

Ví dụ các ngành mang tính chu kì cao có sắt thép, bắt động sản, ngân hàng; các ngành này có tăng trưởng rất tốt so với các ngành khác trong giai đoạn tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng nếu nền kinh tế rơi vào giai đoạn khủng hoảng suy thoái các ngành trên sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Còn những ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, điện nước sẽ ít chịu ảnh hưởng ít hơn bởi tình hình suy thoái của nền kinh tế.

Các ngành càng có triển vọng trong tương lai sẽ được xếp ưu tiên đầu tư với tỉ trọng cao hơn trong danh mục. Trong các ngành tăng trưởng tốt, kể cả khi nhà đầu tư chọn lựa không phải doanh nghiệp tốt, cổ phiếu vẫn có thể tăng giá khi đi theo sóng của cả ngành thu hút dòng tiền vào. Còn với một doanh nghiệp đầu ngành trong ngành bị suy thoái dòng tiền cũng không mấy quan tâm và sẽ đem lại lợi nhuận không mong muốn cho nhà đầu tư khi mua cổ phiếu.

Bước cuối cùng là tìm ra cổ phiếu tốt nhất trong ngành được hưởng lợi. Sau khi tìm ra được ngành sẽ tăng trưởng tốt hơn mặt bằng chung trong tương lai, nhà đầu tư cần lọc ra các danh sách các doanh nghiệp thuộc ngành đó mà có niêm yết trên sàn chứng khoán. Tiếp theo chúng ta cần so sánh, phân tích báo cáo tài chính để tìm ra doanh nghiệp nào có sức khỏe tài chính tốt nhất, là cỗ máy sinh ra tiền tốt nhất trong nhóm để đầu tư. Ngoài ra cũng cần quan tâm tới phẩm chất, tài năng ban lãnh đạo, liệu họ có thể tận dụng cơ hội ngành, cơ hội vĩ mô để phát triển hay không.

Điều không kém quan trọng là định giá những cổ phiếu của ngành chúng ta quan tâm. Nếu doanh nghiệp đầu ngành kinh doanh rất tốt, tuy nhiên mức giá đã quá cao cũng không phải là một khoản đầu tư hời cho nhà đầu tư. Định giá có nhiều phương pháp như P/E, P/B, EV/EBITDA, chiết khấu dòng tiền DCF,… nhà đầu tư có thể tự lựa chọn phù hợp cho bản thân cũng như phù hợp với cổ phiếu. Và luôn nhớ nên có mức giá chiết khấu an toàn so với ước lượng giá trị thật của cổ phiếu trước khi quyết định mua vào.