TẠI SAO NÊN TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ LINH HOẠT?

Chúng ta đã nghe nhiều về câu chuyện Bill Gates đã nghỉ hưu từ lâu và dành hơn 35 tỷ USD để làm từ thiện nhưng tài sản của ông vẫn tăng không ngừng, vẫn đứng vị trí giàu nhất nhì thế giới.

Chúng ta cũng nghe nhiều về làm thế nào để tiền làm việc thông minh hơn, gia tăng tài sản tốt hơn.

Đây chính là cách để người giàu ngày càng giàu hơn, tốc độ gia tăng tài sản nhanh hơn.

Cũng giống như Bill Gates ủy thác việc quản lý tài sản của ông cho Cty Quản lý đầu tư Cascade Investment, người giàu họ ủy thác đầu tư tài sản cho các cty Quản lý quỹ để các chuyên gia phân bổ và luân chuyển các khoản đầu tư theo chu kỳ của nền kinh tế.

Chúng ta ngày nay không cần phải nhiều tiền để có thể áp dụng theo cách của người giàu, với sự hỗ trợ của công nghệ các Cty QLQ hiện nay có thể phục vụ cả các khách hàng với số tiền rất nhỏ.

Nền kinh tế luôn vận động theo chu kỳ của nó: Tăng trưởng rồi Suy thoái. Chu kỳ hiện nay là khoảng 8-10 năm, như vậy trong cả cuộc đời mỗi người chỉ có thể tận dụng được 5 lần (bắt đầu từ 25 tuổi), nhưng rất ít người biết cách tận dụng cơ hội này. 

Mỗi giai đoạn của nền kinh tế lại mang đến cơ hội to lớn cho chúng ta gia tăng tài sản.

Ví dụ, khi kinh tế tăng trưởng, ta mua Chứng chỉ quỹ, giai đoạn này chứng khoán mang lại lợi nhuận cao hơn bất kỳ kênh đầu tư nào, các quỹ cổ phiếu thường giúp tài sản của bạn tăng ít nhất gấp đôi trong chưa đầy 3 năm.

Khi kinh tế suy thoái, ta có thể mua Chứng chỉ quỹ trái phiếu hoặc Trái phiếu của các cty lớn ăn lợi tức cố định và cao hơn lãi ngân hàng. 

Chỉ cần tìm hiểu một chút, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng tốt!

Thời gian chúng ta có là như nhau! Số tiền chúng ta làm ra và dành dụm được cũng chỉ có hạn.

Nhưng khi chúng ta biết áp dụng tiết kiệm & đầu tư linh hoạt, thì với cùng số vốn ban đầu, tài sản chúng ta tích lũy được có thể gia tăng thêm hơn 7 lần so với chỉ gửi tiết kiệm, thậm chí cao hơn rất nhiều, mà không cần phải nghiên cứu về Tài chính và Đầu tư.

————————

BÀI 1- TĂNG KIẾM TIỀN- BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA LÀM GIÀU

Tôi đã có một bài viết nhằm cố gắng định nghĩa sự giàu có. Và trong quá trình đi tìm cách thức để làm giàu, tôi đã học hỏi được một quá trình gồm 3 bước:

1. Tăng kiếm tiền
2. Tăng tích lũy và đầu tư
3. Giảm chi tiêu, giảm mức sống

Việc đầu tiên cần làm hơn cả, là điều kiện để tiến hành những bước khác là tăng kiếm tiền, tăng thu nhập. Phải tăng kiếm tiền và tăng thu nhập thì mới có thể tăng tích lũy và đầu tư, mà từ đó mới mới có thu nhập thụ động và làm giàu được. Câu hỏi đặt ra là tăng kiếm tiền, tăng thu nhập như thế nào? Và tôi tìm ra một công thức, khá thú vị.

Thu nhập = Giá trị x Thời gian x Quy mô

Đây là một công thức đơn giản, nhưng theo tôi, lại hết sức tuyệt vời. Như vậy, có ba yếu tố sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của bạn. Thứ nhất là giá trị của bạn đóng góp cho cuộc sống, cho mọi người, cho công ty bạn. Thứ hai là thời gian bạn làm việc, bạn đóng góp. Và cuối cùng là quy mô của công việc của bạn, bạn ảnh hưởng, bạn giúp đỡ, bạn giải quyết được nhu cầu cho bao nhiêu người?

1. Giá trị:

Yếu tố dầu tiên là giá trị. Tức là bạn mang lại bao nhiêu giá trị cho cuộc sống, cho mọi người, cho công ty bạn. Đơn giản là như thế này. Tôi là một giảng viên, tôi luôn thực hiện đúng chức trách của mình, lên lớp, giảng dạy, chấm bài, gác thi, họp hành, báo cáo… và chỉ như thế thôi, không có gì hơn thế cả.

So với người thầy tôi, thầy Dương, ngoài những chức trách quen thuộc đó, thầy còn chủ động liên hệ thường xuyên với các công ty đa quốc gia trong cả nước để ký kết các hợp đồng đào tạo, mang lại các khoản tài trợ và học bổng cho học sinh và nhà trường. Tạo điều kiện để các em sinh viên được tham quan, thực tập, và đào tạo tại các công ty đó. Và giúp các công ty tuyển được những sinh viên phù hợp với yêu cầu của họ, cũng như định hướng chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thị trường hơn.

Như vậy, ai mang lại nhiều giá trị hơn? Dĩ nhiên, là người thầy tôi. Thầy đã mang lại giá trị nhiều hơn cả sự mong đợi. Và do đó, dĩ nhiên, thu nhập và chức vụ của thầy phải cao hơn của tôi. Và nếu như, nhà trường không nhận ra những giá trị đó, và không có những sự bù đắp xứng đáng, thì với những gì thầy đã làm được, thì hàng chục công ty săn đầu người và các trường đại học khác cũng sẵn sàng trải thảm đỏ chào mời thầy về làm việc (nếu như thầy muốn đi khỏi trường). Và dĩ nhiên, giữa hai ứng viên là tôi và thầy tôi, ai sẽ là người được chọn, kết quả đó, quá rõ ràng.

Như vậy, bí quyết của yếu tố giá trị, là bạn phải đóng góp, phải mang lại thật nhiều giá trị cho mọi người, cho cuộc sống. Giá trị bạn mang lại càng nhiều thì thu nhập của bạn sẽ càng cao. Phải luôn nỗ lực để mang lại giá trị vượt trên sự mong đợi của mọi người.

Trước một yêu cầu, luôn có ba típ người. Một là người làm dưới mức mong đợi. Hai là vừa đạt mức mong đợi, và ba là làm trên cả mức mong đợi.

Với những người làm dưới mức mong đợi, tức là họ làm không đạt yêu cầu. Nếu bạn yêu cầu họ làm năm việc, thì họ chỉ làm 3 hay 4 thôi, và không bao giờ hoàn thành cả 5 việc vì nó “quá khó” đối với họ. Những người này luôn làm giảm giá trị. Tức là họ thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Dĩ nhiên, những người này thật khó có thể mà có thu nhập cao được, thậm chí, vị trí hiện tại cũng khó mà giữ được.

Với những người luôn làm vừa đạt mức mong đợi. Đây là những người “bảo toàn” giá trị. Họ luôn hoàn thành công việc và nhiệm vụ của mình, nhưng chỉ dừng lại như vậy. Họ không làm phát triển giá trị của công ty, mà họ cũng không làm giảm giá trị nó đi. Những người như vậy thường thì “an toàn” và theo thời gian có thể sẽ được tăng lương và cất nhắc chức vụ. Tuy nhiên nếu công ty gặp khó khăn hay có một ứng viên khác thuộc típ người làm trên sự mong đợi thì họ sẽ bị thay thế ngay.

Típ người cuối cùng là típ người luôn làm vượt trên sự mong đợi. Yêu cầu là một, nhưng họ luôn làm hai, làm ba. Giá trị họ mang lại cho công ty là rất lớn. Họ chính là những người phát triển giá trị. Và dĩ nhiên, thu nhập lẫn chức vụ của họ cũng đều thăng tiến rất nhanh. Họ chính là tài sản lớn của công ty mà cả ông chủ công ty, lẫn những công ty săn đầu người và công ty đối thủ thèm khát.

Giá trị của bạn hiện nay như thế nào? Bạn đã cố gắng để làm vượt trên sự mong đợi chưa? Nếu chưa thì làm sao bạn có thể mong muốn tăng thu nhập của bạn được. Hãy bắt đầu, và thu nhập của bạn sẽ tăng rất nhanh đấy…

2. Thời gian:

Yếu tố thứ hai, ảnh hưởng đến thu nhập của bạn, chính là thời gian. Đó chính là thời gian bạn bỏ ra để đóng góp giá trị cho mọi người. Cũng hai con người có thể mang lại giá trị như nhau, nhưng một người thì làm việc 8 tiếng một ngày, và người kia thì làm việc 18 tiếng một ngày, dĩ nhiên, thu nhập của người thứ hai sẽ cao hơn.

Đó là trưởng hợp của tôi và bạn tôi, Đức Vương. Tôi so sánh thì thấy giá trị tôi và Vương mang lại là như nhau, cả hai cùng đi dạy, tuy ở hai trường khác nhau. Tôi có điều kiện hơn Vương là tôi dạy ở trường Đại học còn Vương thì dạy ở trường Cao đẳng. Nhưng Vương có thu nhập cao hơn tôi, vì sao? Vì Vương đã làm rất nhiều việc. Ngoài đi dạy ở trường hiện tại, Vương còn nhận dạy hợp đồng ở một trường khác, rồi dạy thêm tại nhà, rồi dạy online qua mạng, rồi làm mạch điện tử theo đặt hàng… Mỗi ngày Vương làm việc chắc gần 14, 15 giờ, so với 8 tiếng ương ương dở dở của tôi, mà thu nhập nó không hơn tôi thì mới là lạ.

Khi nói đến thời gian, không ít người phản đối ra mặt. Tôi làm để mà sống, chứ có phải đâu tôi sống để mà làm. Sao mà tôi có thể cắm cúi làm lụng tối ngày được. Tôi còn phải tận hưởng cuộc sống nữa chứ. Thêm nữa, dù có “tham lam” đến cỡ nào thì mỗi ngày đều chỉ có 24 tiếng, đâu làm sao mà hơn được.

Bí quyết của thời gian, không hẳn là bạn cứ phải tăng số giờ làm việc lên, mà hãy tăng hiệu quả làm việc. Hãy chọn và làm những việc mà bạn làm có hiệu quả nhất. Và biết phân bố, giao việc cho đồng nghiệp cũng như cấp dưới của bạn (nếu có) cho thật hợp lý.

Tôi có ví dụ thực tiễn về anh bạn tôi, Chương. Chương bán phần mềm đăng tin, email marketing và sms marketing. Trước đây anh làm tất cả mọi việc từ tìm kiếm khách hàng, cho đến tư vấn, thương lượng, cài đặt và hỗ trợ kỹ thuật… Những việc đó quả thật rất tốn thời gian và vì thế anh chỉ bán trung bình chưa được một phần mềm trong một ngày.

Từ ngày nhận ra sức mạnh của việc sử dụng thời gian hiệu quả. Chương nhận ra mình làm tốt nhất việc tìm kiếm khách hàng và tư vấn khách hàng, thương lượng bán hàng. Còn việc cài đặt và hỗ trợ kỹ thuật mất quá nhiều thời gian mà không hiệu quả.

Vậy nên Chương hợp đồng với một em sinh viên đang có nhu cầu làm thêm, đào tạo cho em này cài đặt và sử dụng phần mềm thật thành thạo, và giao luôn việc cài đặt và hỗ trợ kỹ thuật cho em này. Dĩ nhiên, nhân viên này sẽ được hưởng hoa hồng dựa trên doanh số bán ra.

Với thời gian rộng rãi hơn do đã không còn tốn nhiều thời gian vào khâu cài đặt và hỗ trợ kỹ thuật, Chương có thời gian tiếp cận khách hàng mới và tư vấn nhiều hơn, dó đó cũng bán được nhiều phần mềm hơn hẳn trước kia. Trừ đi khoản tiền hoa hồng chia lại cho nhân viên mới tuyển, Chương vẫn còn lời hơn nhiều so với lúc trước tự tay mình làm từ A đến Z. Mà hơn nữa, cậu sinh viên cũng có tiền làm thêm rất khá, nên rất vui. Mà người mua cũng không còn phải chờ đợi để được tu vấn, cài đặt và hỗ trợ như trước nữa. Ba bên cùng có lợi.

Như vậy, nếu bạn không sử dụng thời gian hiệu quả, thì chính là bạn đang lãng phí thời gian của mình và của cả xã hội. Dùng thời gian để làm việc mà bạn làm hiệu quả nhất, và giao những việc bạn làm không hiệu quả cho những người có thể làm hiệu quả hơn, đó chính là quá trình phân công lao động xã hội. Và nếu bạn biết cách phân bố việc này, nó sẽ tốt cho bạn, và cho cả toàn xã hội nữa.

Bạn đang sử dụng thời gian của mình hiệu quả chưa? Bạn có chú trọng đến những việc mình làm tốt nhất chưa? Nếu chưa, bạn hãy xem lại để thay đổi nhé. Mỗi ngày chúng ta đều chỉ có 24 tiếng đồng hồ, và làm những việc bạn mà bạn làm không hiệu quả thì vữa lãng phí lại vừa gây mệt mỏi, khó chịu. Không đáng chút nào.

3. Quy mô:

Yếu tố thứ ba, rất quan trọng, đó chính là quy mô. Bạn có bao giờ tự hỏi một bác sĩ mổ tim, cứu người và một cô ca sĩ, ai có giá trị hơn ai chưa. Dĩ nhiên là người bác sĩ. Vì ông có thể cứu được một mạng người. Còn nếu không nghe một bài hát, thì ta cũng không thể chết được. Và ông bác sĩ cần mẫn với ca phẫu thuật của mình có thể trong 3, 4 tiếng đồng hồ. Nhưng lại có thu nhập không bằng cô ca sĩ hát trong 1 giờ? Nguyên nhân là tại sao? Chính là yếu tố quy mô.

Nếu như ông bác sĩ có giá trị và thời gian lao động đều hơn cả cô ca sĩ, nhưng ông chỉ giúp được cho một người mà thôi. Còn cô ca sĩ kia, trong một tiếng đồng hồ ấy, cô bức lên sân khấu, cô mang lại niềm vui cho hàng ngàn người. Nếu chương trình được tường thuật trên ti vi chẳng hạn, thì con số đó là vài chục ngàn người. Và nếu là phát hành đĩa, phát hành album thì sẽ là hàng triệu người được phục vụ.

Mỗi người được phụ vụ trả cho cô một khoản tiền nhỏ, nhiều người dồn lại sẽ tạo thành một khoản thu nhập khổng lồ mà vị bác sĩ kia không thể có được.

Nếu như yếu tố giá trị và thời gian là có giới hạn. Tức là giá trị và tài năng của bạn là có giới hạn, thời gian của bạn cũng chỉ tối đa 24 giờ một ngày, dù cho bạn có sử dụng hiệu quả đến đâu đi nữa, thì cũng tăng lên đến một mức nào đó mà thôi, thì quy mô lại là một yếu tố không có giới hạn.

Bạn phục vụ bao nhiêu người, bạn giúp đỡ được bao nhiêu người, bạn ảnh hưởng được bao nhiêu người. Một ngàn, một triệu, hay một tỷ, hay bảy tỷ người trên quả đất này, nếu bạn đã có thể phục vụ hết 7 tỷ người, thì cũng còn rất nhiều các chim muông, cây cỏ để bạn phục vụ và tương lai còn người sao Hỏa, sao Anpha, Beta nào đó nữa cũng không chừng. Nói chung, với yếu tố quy mô, bạn có thể tăng thu nhập mình lên không giới hạn.

Vậy bí quyết của quy mô là gì? Là bạn không ngừng tăng cường số lượng bạn phục vụ, bạn giúp đỡ, bạn có ảnh hưởng. Càng nhiều càng tốt. 10 thay vì chỉ 1. 100 thay vì 10. 1 triệu thay vì 1 vạn… Hãy tăng cường quy mô của mình lên, và bạn sẽ được tận thưởng xứng đáng.

Nhưng làm cách nào để làm được như thế. Hiện nay, các công cụ thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình chính là một công cụ rất tốt. Đặc biệt là Internet. Internet có sức kết nối và lan tỏa rất mạng. Nó có thể truyền tải thông tin và cả tâm huyết của bạn nữa, đến hàng triệu, triệu người trên thế giới, và đó là một công cụ tuyệt vời mà nếu bạn chưa biết tận dụng thì hãy học cách để tận dụng nó.

Nói đến đây thôi nhớ thầy tôi, thầy Duy. Tết năm đó, thầy có biết một sản phẩm tốt, đó là nem chua Khánh Hòa, quê hương thầy, chất lượng cực ngon, giá rất tốt so với thị trường. Thay vì chọn cách truyền thống là giới thiệu đến cho từng người, từng người một, thầy đã sử dụng công cụ Facebook để đưa tin đến tất cả bạn bè của mình.

Và vì đó là một sản phẩm tốt, có lợi cho người mua, cộng với một công cụ truyền thông mạnh, Facebook, tết năm đó, thầy đã phục vụ nem để ăn và quà biếu cho hàng ngàn người. Chỉ mấy ngày trước tết thôi mà thầy bán sạch 2 tấn rưỡi nem. Và theo quy luật của kinh doanh, thầy nhận được một phần sự thỏa mãn của khách hàng dưới dạng lợi nhuận rất khá.

Ngay cả việc viết blog của tôi, cũng thuộc về yếu tố quy mô, dù không (hoặc chưa) liên quan đến yếu tố thu nhập. Tôi có một ý tưởng, một câu chuyện, nếu tôi đem kể với một người, tôi chỉ có một người bạn, một người hiểu tôi. Nhưng chỉ một người mà thôi. Nhưng nếu đem câu chuyện đó lên blog, tôi có thể kể câu chuyện đó cho một lúc hàng trăm người. Những người hôm nay chưa nghe, thì ngày mai, ngày mốt có thể nghe và chia sẽ cùng tôi. Trong khi, tôi chỉ làm việc kể chuyện có một lần. Và tôi có rất nhiều người bạn mới, những người hiểu tôi, và sẵn sàng giúp đỡ tôi trong cuộc sống. Điều đó không tuyệt vời hay sao?

Nói cách khác, tăng quy mô, chính là việc tăng sự “nhân bản” của cá nhân và việc làm của mình lên. Bạn nhân nó lên càng nhiều, thì thu nhập của bạn cũng sẽ cao lên theo.

Tổng kết lại, có ba yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của một người bất kỳ, đó là Giá trị, Thời gian và Quy mô. Tăng cả ba yếu tố này, bạn sẽ thay đổi thu nhập của mình một cách đáng kể. Hãy luôn làm việc vượt trên sự mong đợi để tăng giá trị của bản thân và công việc. Hãy tăng thời gian làm việc và đặt biệt là hiệu quả làm việc. Hãy sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất để tận dụng yếu tố thời gian, để tránh lãng phí cho chính mình và cho xã hội. Và hãy tăng quy mô, số lượng người mà bạn giúp đỡ, ảnh hưởng đến hết mức có thể. Những yếu tố đó, sẽ tăng thu nhập của bạn lên một cách không ngờ.

Bạn không tin ư? Vậy thì bạn cứ thử trải nghiệm mà xem? (Nhớ nói cho tôi kết quả nhé!)

Trong bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày với các bạn bước tiếp theo rất quan trọng trong quá trình làm giàu: “Tích lũy và đầu tư, bí mật khủng khiếp của riêng người giàu”

Ghi chú:

Những nhân vật và câu chuyện trong bài viết trên đều có thật. Và may mắn là tất cả các nhân vật này đều có tài khoản Facebook. Bạn nào quan tâm thì có thể ghé thăm nhé.
Thầy Dương
Thầy Duy
Bạn Đức Vương
Bạn Chương

—————————-

BÀI 2- TÍCH LŨY VÀ ĐẦU TƯ BÍ MẬT KHỦNG KHIẾP CỦA NGƯỜI GIÀU

Trong bài trước, tôi đã nói về bước đầu tiên trong quá trình làm giàu: tăng kiếm tiền. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày về bước tiếp theo: tăng tích lũy và đầu tư.

Khi tôi trao đổi với bạn tôi về thứ tự của các bước trong quá trình làm giàu cũng như thứ tự của loạt bài: Tăng kiếm tiền, rồi đến Tăng tích lũy và đầu tư, cuối cùng mới đến Đơn giản hóa cuộc sống và giảm chi tiêu, bạn tôi tỏ vẻ phản đối.

Theo ý của bạn tôi, bước 1 là Tăng kiếm tiền, bước 2 là Đơn giản hóa cuộc sống và giảm chi tiêu, rồi mới đến bước 3 là Tăng tích lũy và đầu tư. Nhưng tôi lại không đồng ý với ý kiến trên. Đó là tư duy của người nghèo, và là tư duy mà tôi đã nuôi dưỡng hàng chục năm qua, và giờ, tôi muốn thay đổi nó.

Người nghèo, họ kiếm tiền, tiêu sài, rồi phần còn lại thì mới tích lũy và đầu tư. Thường thì sau bước tiêu sài cũng chả còn bao nhiêu để tích lũy và đầu tư cả, nên họ vẫn cứ mãi nghèo. Ngược lại, người giàu làm kiếm tiền, họ tích lũy và đầu tư trước, sau đó mới tiêu sài phần còn lại. Nhiều người hỏi rằng sao lại phải giảm chi tiêu để tăng cường đầu tư, sao lại “tự làm khổ” mình như thế?

Nhưng trên thực tế, họ chẳng phải thực hiện việc đó quá lâu. Nếu như việc đầu tư và tích lũy của họ sinh lợi nhuận, thì thu nhập của họ sẽ tăng rất nhanh. Khi đó, sau khi thực hiện việc tích lũy và đầu tư, họ vẫn còn lại một khoản rất khá để chi tiêu (nhiều hơn so với người có thói quen chi tiêu trước rồi mới tích lũy và đầu tư). Như vậy là “tự làm sướng” mình chứ có tự làm khổ mình đâu?

Có thể nói, tích lũy và đầu tư là một bí mật khủng khiếp của người giàu. Hầu như không một người nào trở nên giàu có, và giàu có thực sự, mà không có quá trình tích lũy và đàu tư… Tích lũy và đầu tư, chính là con gà đẻ trứng vàng của người giàu…

Kiếm tiền là bước đầu tiên của quá trình làm giàu, nhưng kiếm tiền mà không có tích lũy, kiếm bao nhiêu, tiêu sài hết bấy nhiêu thì bạn cũng không bao giờ có thể giàu có.

Nếu một người có thu nhập từ lao động của mình là 20 triệu đồng một tháng, và anh ấy cũng tiêu hết ngần ấy, không có bất cứ sự tích lũy nào, thì sau một đời làm việc (trung bình là 30 năm) anh ấy cũng sẽ chẳng còn lại thứ gì. Hoặc ngay khi anh ấy gặp một sự cố nào đó và buộc phải nghĩ làm việc, anh ngay lập tức phải đối mặt với áp lực tiền bạc, áp lực cơm áo.

Ngược lại, nếu một người chỉ kiếm được 10 triệu một tháng, nhưng anh tích lũy được mỗi tháng 2 triệu đồng. Như vậy một năm anh sẽ tích lũy được 24 triệu. Và với mức sống hiện tại, 8 triệu đồng chi tiêu cho một tháng. Sau 1 năm làm việc, nếu anh có phải nghĩ làm việc, thì vẫn có thể sống ung dung trong vòng 3 tháng mà không phải lo nghĩ như anh chàng ở ví dụ trên.

Và hơn thế nữa, lại dùng số tiền đó đầu tư một cách hợp lý, thì số tiền đó sẽ càng sinh sôi, nảy nở và cuộc sống của anh sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Giả sử anh ta đầu tư và có lãi suất mỗi năm là 10%, ta thử tính xem tiền của anh ta sẽ tăng ra sao nhé

Năm đầu: Tích lũy 24 triệu. Đem đi đầu tư, lãi suất 10% một năm.

Một năm sau: Cả vốn lẫn lãi của số tiền đem đi đầu tư là 26.4 triệu. Cộng với 24 triệu tiền tích lũy trong năm đó, tổng số vốn là 50.4 triệu đồng. Lại đem đầu tư, lãi suất 10% một năm.

Hai năm sau: Cả vốn lẫn lãi của số tiền đem đi đầu tư là 55.44 triệu. Cộng với 24 triệu tiền tích lũy trong năm đó, tổng số vốn là 79.44 triệu đồng. Lại đem đầu tư, lãi suất 10% một năm.

Ba năm sau: Cả vốn lẫn lãi của số tiên đem đi đầu tư là 87.384 triệu. Cộng với 24 triệu tiền tích lũy trong năm đó, tổng số vốn là 111.384 triệu đồng. Lại đem đầu tư, lãi suất 10% một năm

Bốn năm sau: Cả vốn lẫn lãi của số tiên đem đi đầu tư là 122.5224 triệu. Cộng với 24 triệu tiền tích lũy trong năm đó, tổng số vốn là 146.5224 triệu đồng. Lại đem đầu tư, lãi suất 10% một năm….

Mười năm sau: Nếu tôi tính đúng, thì tổng số tiền sẽ là 444.748 triệu đồng. Sau 20 năm, số tiền sẽ là 1374.599 triệu đồng, và sau 30 năm, số tiền sẽ là 3947.857 triệu đồng (gần 4 tỷ đồng).

Cũng với lãi xuất như trên, nhưng nếu mức tích lũy là 3 triệu đồng một tháng thì con số sẽ lần lượt là: 4 năm 167.076 triệu đồng, sau 10 năm là 573.7473 triệu đồng. Sau 20 năm là 2061.9 triệu đồng và sau 30 năm là 5921.785 triệu đồng (gần 6 tỷ đồng).

Cùng là mức tích lũy 2 triệu đồng một tháng, nếu lãi suất tăng lên là 20% thì con số sẽ cũng rất ấn tượng, sau 4 năm là 128.832 triệu đồng, sau 10 năm là 623.028 triệu đồng, sau 20 năm là 4480.512 triệu đồng, và sau 30 năm, con số sẽ là 28365.16 (hơn 28 tỷ đồng).

Nếu tăng mức tích lũy lên 3 triệu đồng một tháng và lãi suất cũng tăng lên là 20%, ta sẽ có những con số hết sức ấn tượng. Sau 4 năm là 193.248 triệu đồng, sau 10 năm là 943.512 triệu đồng. Sau 20 năm 6720.767 triệu đồng. Và sau 30 năm, con số đó sẽ là 42547.736 triệu đồng (hơn 42 tỷ đồng).

Tôi là dân kỹ thuật, tôi thích những con số, tôi hy vọng là những số liệu đưa ra không làm bạn phải mệt mỏi. Nhưng dù mệt mỏi, bạn cũng hãy nhìn vào những con số kia, và nói cho tôi bạn thấy gì?

Thực sự, đầu tư là một hàm số mũ theo thời gian đầu tư và tỷ suất lợi nhuận. Ban đầu thì nó có vẻ tăng rất chậm, nhưng càng về sau thì nó càng tăng rất nhanh. Hoặc khi tỷ suất lợi nhuận tăng lên cũng vậy. Và một số tiền tương đối nhỏ là 3 triệu đồng một tháng. Nếu chỉ tích lũy trong 30 năm (360 tháng) cũng chỉ là con số 1080 triệu đồng (hơn một tỷ một tý). Nhưng nếu đầu tư với lãi suất 10% thì sau 30 năm, bạn đã có con số là gần 6 tỷ đồng. Và nếu lãi suất là 20%, bạn sẽ có con số sau 30 năm là hơn 42 tỷ đồng. Một con số quả thật ấn tượng.

Chính vì thế, tôi không ngoa nếu nói đầu tư chính là bí mật khủng khiếp của riêng người giàu. Nói thế không có nghĩa là tôi không coi trọng tích lũy, vì nếu không có tích lũy, thì lấy đâu ra mà đầu tư?

Mỗi đồng tiền đầu tư là một hạt giống

Một trong những phát minh vĩ đại nhất của Albert Einstein chính là lãi suất kép. Ông tìm ra rằng, thời gian để một khoản đầu tư có lãi suất là A% một năm tăng lên gấp đôi là (72 chia A) năm.

Tức là khoản đầu tư có lãi suất 10% một năm thì cần 7.2 năm để tự nhân đôi chính nó. Khoản đầu tư có lãi suất 20% một năm cần thời gian là 3.6 năm để trở nên gấp đôi. Và với tài năng đầu tư như của tỷ phú Warren Buffet, tỷ suất lợi nhuận trung bình là 24% thì ông chỉ cần 3 năm để tài sản của mình tăng gấp đôi. Sau 30 năm sẽ tăng 2 mũ 10 tức là 1024 lần. Và sau 60 năm là 2 mũ 20, hay 1.048.576 lần (hơn 1 triệu lần). Một con số quả thật quá ấn tượng.

Nói cách khác, đầu tư chính là chiếc chìa khóa bí mật của người giàu. Nhưng tại sao, tôi vẫn thường xuyên nghe nói nhiều người đầu tư rồi mất trắng. Ấy là vì họ thiếu những kiến thức về đầu tư và về thị trường. Họ đầu tư theo trực giác, theo số đông hoặc là theo may rủi. Tôi nghĩ, nếu chúng ra tự trang bị những kiến thức đầy đủ về đầu tư cho mình, chúng ta sẽ không phải đối mặt với vấn đề trên nữa.

Nói về đầu tư, thực ra tôi là một ông thầy bói xem voi. Vì bản thân tôi chưa từng tích lũy nữa là nói đến đầu tư. Nhưng ở đây, tôi không phải muốn “dạy” cho bạn đầu tư như thế nào. Tôi chỉ muốn làm sáng tỏ vai trò to lớn của đầu tư trong quá trình làm giàu. Muốn làm giàu, thì phải đầu tư.

Và khi đã nắm rõ vai trò lớn lao của đầu tư rồi, thì tôi, và bạn, sẽ có những cách thức để học hỏi và đầu tư cho hiệu quả. Tôi tin rằng chỉ cần biết là có cảnh cửa, người ta sẽ có động lực để thoát ra khỏi đường hầm. Và khi đã có động lực thì người ta chắc chắn sẽ tìm ra cách để thoát được khỏi đường hầm đó.

Trong bài tiếp theo, mời các bạn tìm hiểu tiếp bước thứ ba trong quá trình làm giàu, đơn giản hóa cuộc sống, giảm chi tiêu, giảm mức sống.

—————————-

BÀI 3- ĐƠN GIẢN HÓA LỐI SỐNG, SỨC MẠNH KHÔNG HỀ GIẢN ĐƠN

Chúng ta vừa thảo luận về BÀI 2 của quá trình làm giàu, trong bài viết này, tôi sẽ trình bày về bước 3: Đơn giản hóa cuộc sống, một yếu tố nghe chừng thì đơn giản nhưng sức mạnh không hề giản đơn.

Tìm hiểu cách kiếm tiền và tiêu tiền của những người giàu có quả thật có nhiều điều thú vị.

Tôi vừa đọc báo, một bài phỏng vấn một người được coi là giàu có nhất Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức. Bài phỏng vấn khá dài, tôi chỉ nhớ vài điểm rất ấn tượng. Đó là ông không bao giờ coi trọng việc ăn uống, hưởng thụ, nên ông đi ra nông trường thì ăn chung với anh chị em công nhân, xuống sân bóng thì ăn chung với anh em cầu thủ. Ông còn khẳng định rằng dù Hoàng Anh Gia Lai công ty ông có rất nhiều bất động sản, ông không hề có một cái nhà riêng nào ở Tp Hồ Chí Minh do chưa có nhu cầu.

Ông khẳng định mua máy bay là để làm phương tiện làm ăn chứ không phải là để khoe khoang hay hưởng thụ, do đó ổng phủ nhận việc sẽ mua du thuyền. Ông cũng thật thà mà thừa nhận rằng hai mươi năm qua, ông chưa từng cùng đi du lịch với gia đình một chuyến nào.

Tôi mở một trang khác, và tìm hiểu về thần tượng của tôi, ông hoàng đầu tư, Warren Buffet. Có một bài viết về 40 nguyên tắc nhằm tiết kiệm tiền của Warren Buffet. Người ta nói rằng không cần đầu tư, chỉ cần biết tiết kiệm như Warren cũng đủ giàu. Ông là người nhận được chỉ trích rất nhiều vì cái sự tiêu tiền quá mức tiết kiệm của mình. Người ta thêm vào nhiều tình tiết có vẻ hơi quá để chế giễu cái sự kiếm tiền bạc tỷ, tiêu tiền cắc của ông. Nhưng dù thế, ai cũng biết, ông là một ngưởi rất tiết kiệm.

Nhìn lại những người quanh mình, tôi thấy thầy tôi, thầy Duy, con người có khả năng thu về hàng trăm triệu đồng một tháng nhưng lại đang sử dụng một chiếc Nokia “đập đá” 1280 và ăn mặc, đi xe hết sức bình dân, giản dị. Trong khi bạn tôi, những người có thu nhập thấp hơn thầy nhiều lần thì đi xe Airblade, mặc đồ hàng hiệu và dùng Iphone 4S.

Tôi thực sự không lấy làm ngạc nhiên hay thắc mắc vì điều đó. Vì tôi biết, tất cả những người giàu có do tự họ khởi nghiệp, đều hết sức yêu quý đồng tiền của mình. Và họ tiêu sài, hết sức là hợp lý. Họ đơn giản hóa cuộc sống, cắt giảm các chi tiêu không hợp lý để tích lũy và đầu tư sinh lợi. Họ không tiêu sài vì những sở thích và ham muốn nhất thời của mình. Những ham muốn nhanh chóng bị lãng quên hay làm người ta rơi vào trạng thái hối hận.

Người nghèo hay công kích người giàu là keo kiệt. Thực tế, ai keo kiệt hơn ai?

Nếu như Warren Buffet bị người ta công kích vì tính tiêu tiền cắc của mình, thì ông sẵn sàng bỏ một số tiền hàng tỷ đô la để làm từ thiện. Nếu như Bill Gates dành gần như toàn bộ thời gian và cả tiền bạc của mình để cứu giúp các bệnh nhân nghèo trên toàn thế giới. Theo ước tính, ông có thể đã giúp đỡ được cho khoảng 68 triệu người có cuộc sống tốt hơn. Cũng như thầy Duy tôi, thầy cũng sẵn sàng tài trợ cho quỹ phát triển tài năng ảo thuật Việt Nam, và đóng góp cho nhiều nhiều quỹ từ thiện khác với số tiền khổng lồ… và rất rất nhiều người giàu “keo kiệt” khác sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ để giúp người khác thì…

Người nghèo vẫn tự cho mình là hào phóng khi mua cho mình một món đồ mới sang trọng, ăn ngon, mặc đẹp, mua sắm thỏa sức… nhưng không khi nào, hay nói đúng hơn là không thể nào giúp được cho người khác, dù là họ hàng, anh em thậm chí là cha mẹ mình khi cần, vì “lực bất tòng tâm”. Vậy ai hào phóng hơn ai?

Như vậy, người giàu không phải là keo kiệt, mà họ chỉ tiêu tiền một cách hợp lý. Vì họ biết rằng, mỗi món tiền mà họ tiêu hôm nay, dù chỉ là một đồng thôi, cũng là một hạt giống mà nếu như hôm nay, nó không bị mất đi, lại được đem đi gieo trồng đúng cách (dựa vào tích lũy và đầu tư) thì nó sẽ sinh sôi nảy nở ra cả một cánh đồng. Khi đó, người ta có thể dùng những đồng tiền “con cháu” đó, để làm những việc lớn hơn…

Người ta suy nghĩ hay đắn đo không phải là vì đồng tiền của ngày hôm nay, mà người ta đắn đo vì cả một “kho” tiền của ngày mai nếu như đồng tiền đó được đầu tư đúng cách. Trước một “kho” tiền như thế, thể nào mà họ không đắn đo cho được.

Những người giàu có thường bị những người khác công kích dèm pha vì tính tiết kiệm của mình. Người nghèo luôn quan niệm rằng nếu như không tiêu tiền, không để có một cuộc sống xa hoa, nhung lụa thì kiếm tiền để làm gì? Chết cũng có mang theo tiền đi theo được đâu mà làm cho nhiều, mà tiết kiệm. Nên họ cứ mặc sức mà tiêu. Mà thực ra họ chẳng bao giờ có nhiều tiền để mà tiêu. Và họ luôn phải lo nghĩ về chuyện tiền bạc. Người giàu tiết kiệm ngày nay để thoải mái ngày sau. Và khi họ muốn tiêu tiền, họ cũng có nhiều tiền hơn để mà tiêu.

Thực tế, khi xem xét một nhu cầu, bất cứ là một nhu cầu mua sắm hay chi tiêu, hay sử dụng dịch vụ… của một người nào đó, luôn có thể chia ra thành hai loại.

Loại thứ nhất là nhu cầu thật sự, tức là những nhu cầu có thật. Nó xuất phát từ những nhu cầu thiết yếu của con người như ăn, mặc, ở, đi lại, nhu cầu được tự do, được yêu thương… Loại thứ hai là loại nhu cầu ảo, loại nhu cầu nhất thời, không cố thật. Đó là những nhu cầu do tính sĩ diện mà những ham muốn nông nổi, nhất thời mang lại. Người ta chỉ cảm thấy thỏa mãn, vui vẻ nhất thời, nhưng phần nhiều sau đó họ sẽ cảm thấy ân hận hay hổi tiếc.

Ví dụ như bạn cần một chiếc xe máy để đi làm. Đó là một nhu cầu có thật nếu như khi bạn có xe máy, bạn có thể giúp công việc của bạn tốt hơn lên nhờ tính cơ động cao, hoặc đến đúng giờ, hoặc đi xa, hoặc yêu cầu công việc bắt buộc phải có xe…

Nhưng bạn mua một chiếc xe như thế nào? Nếu như chỉ có nhu cầu đi lại và bạn muốn mua một chiếc xe thật sang trọng, đắt tiền… SH chẳng hạn, thì đó là một nhu cầu ảo. Vì bạn mua chiếc SH là vì nhu cầu sĩ diện, thể hiện và khoe khoang hơn là nhu cầu đi lại (nếu bạn đã có nhiều tiền và thể hiện, khoe khoang là một nhu cầu thực sự cần thiết của bạn thì lúc đó lại khác). Và nhu cầu ảo này sẽ mang kèm theo nó rất nhiều chi phí phát sinh như tiền mua xe tăng cao, tiền xăng sẽ nhiều lên, chi phí bảo trì, bảo dưỡng và để “xứng đáng” với chiếc xe thì bạn cũng phải tiêu tiền “tầm cỡ” hơn. Và với bao nhiêu những chi phí phát sinh đó, nếu nó được tiết kiệm và đầu tư, có lẽ, bạn đã có một khoàn kha khá trong tương lai.

Tôi rất tâm đắc với một lời khuyên của Warren Buffet là khi đi mua hàng, là nếu bạn thích một món hàng nào đó, hãy xem thật kỹ, nhưng đừng mua nó ngay. Người bán hàng sẽ có những “chiêu thức” để kích thích bạn mua ngay đấy. Nhưng hãy khoan đã! Khi về nhà, bạn hãy suy nghĩ kỹ lại. Nếu bạn thấy nó thực sự cần thiết, thì ngày mai bạn hãy quay lại và mua nó. Yên tâm đi, nó vẫn còn ở đó thôi. Còn không, hãy quên nó đi. Đó chính là cách tìm ra nhu cầu thực của mình mà không để cảm xúc nhất thời chi phối.

Câu hỏi được đặt ngược ra là tại sao rất nhiều người giàu vẫn mua sắm và chi tiêu cực kỳ hoang phí? Những chiếc xe hơi sang trọng, những chiếc du thuyền bậc nhất, những chiếc máy bay cá nhân và những siêu điện thoại đều đang thuộc sở hữu của người giàu.

Thứ nhất, người giàu cũng có hai dạng, những người làm giàu bằng mồ hôi, công sức và sự khát khao cháy bỏng của mình và những người không phải như vậy. Dạng thứ nhất là những người thường đã phải chịu rất nhiều khó khăn, gian khổ và hy sinh để làm giàu và duy trì sự giàu có của mình, đó thường là những người tự tay khởi nghiệp làm giàu. Dạng thứ hai thì thường là nhờ một may mắn nào đó, như sự thừa kế, sự nổi tiếng nhanh chóng (nhất là trong thể thao, điện ảnh, âm nhạc…) họ ít gặp phải những khó khăn, gian khổ để làm giàu.

Trong hai dạng này, người giàu dạng thứ 2 thường tiêu tiền rất hoang phí vào những tiện nghi sang trọng và đình đám, hào nhoáng… Đó là những món trang sức đắt tiền, những siêu xe, siêu điện thoại… Thường thì chỉ sau một thời gian ngắn, những người giàu theo dạng này sẽ trở nên nghèo đi. Vì tiền bạc thì ngày càng ít đi còn nhưng thói quen chi tiêu hoang phí thì đã ăn sâu vào con người họ. Nên họ có một cuộc sống rất vất vả.

Bao nhiêu những ngôi sao điện ảnh, ngôi sao ca nhạc, ngôi sao thể thao, những “người thừa tự bằng vàng”, dễ dàng kiếm được hàng triệu đô la rồi rất mau sau đó, họ rơi vào cảnh túng thiếu, khó khăn, thậm chí là tù tội, tai tiếng… Rất nhiều những thứ xa hoa, phù phiếm trên thế giới đang thuộc sở hữu của những người giàu dạng này.

Nhưng có thể bạn cũng đã từng thấy những người giàu bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình có những món hàng đắt tiền. Thông thường, trong những trường hợp này, những món hàng đó chính là một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận hơn là một món tiêu sản. Ví dụ bầu Đức mua máy bay, vì ông cần nhanh chóng đến những nơi cần đến, và nó mang lại cho ông một chút “danh tiếng” có thể có lợi trong đàm phán với khách hàng, hay đem lại cho đối tác một sự tin tưởng chẳng hạn, nó là một khoản đầu tư có lợi…

Cũng có đôi lúc, những món hàng đó hoàn toàn là tiêu sản chứ không phải là tài sản gì cả, không mang lại một khoản lợi nào cả, mà những người giàu dạng một vẫn mua vì họ thích. Tuy nhiên, việc mua món hàng này luôn phải tuân thủ một nguyên tắc. Đó là: phải có những khoản thu nhập thụ động để “nuôi” những món tiêu sản này.

Người nghèo mua một chiếc xe, họ vay mượn để mua nó. Sau đó họ cày ra trả nợ và kiếm tiền đổ xăng, cũng như kiếm tiền bảo trì bảo dưỡng, tiền kiểm tra định kỳ, đăng kiểm… và sắm sửa “đồ chơi” cũng chúng. Họ bị vắt kiệt sức mình vì mua chiếc xe đó. Đó thực sự là một mối lo nghĩ đối với họ (dù họ chả bao giờ nhận ra việc đó).

Còn người giàu, người ta có thể mua một chiếc xe thậm chí rất sang trọng, đắt tiền, xa hoa… nhưng họ phải có trước một khoản thu nhập thụ động (ví dụ như tiền lãi đầu tư, tiền cho thuê bất động sản…) để bù đắp các chi phí do việc mua sắm và sử dụng chiếc xe gây ra. Do đó, trong khi người nghèo càng ngày càng nghèo đi vì việc chiếc xe thì người giàu cứ mặc sức mà sử dụng nó thôi.

Nếu như những chi tiêu mang tính nông nổi nhất thời, nhưng lại làm giảm tự do và hạnh phúc của bạn trong tương lai, và có thể khiến bạn phải hối hận, nuối tiếc thì điều đó có đáng hay không? Và khi tiêu một đồng, bạn hãy đừng nhìn nó với chỉ là một đồng của ngày hôm nay mà hãy nhìn nó là một hạt giống có thể cho ra một cánh đồng của ngày mai.

Cứ một đồng bạn tiêu phí ngày hôm nay thì sự tự do trong tương lai của bạn sẽ giảm đi một phần đấy. Hãy cân nhắc bạn nhé.

Tôi vừa trình bày với bạn bước thứ ba của quá trình làm giàu. Thực ra, tôi viết bài viết này, để tự răn dạy mình là chính. Trước đây tôi là người tiêu tiền không có nghĩ. Tôi không hẳn là tiêu pha vào những việc toàn vô ích. Tôi cũng thường xuyên đầu tư vào bản thân, đi học, đầu tư vào sách vở và làm từ thiện. Nhưng tôi có tật xấu là làm ra nhiêu, tiêu hết bao nhiêu. Điện thoại, laptop, máy tính bảng, và mấy món đồ công nghệ… luôn luôn nằm trong tầm ngắm của tôi. Và nếu mình có tiền thì, chẳng chóng thì chày, nó cũng hết.

Chả thế nên đến bây giờ tôi cũng chả có thứ gì trong tay. Ngồi ngẫm lại thấy buồn quá thể. Buồn không phải vì tôi đi so sánh với bạn bè hay anh chị em đồng nghiệp. Buồn vì tôi đã tiêu tiền không suy nghĩ, đến giờ, nếu có muốn làm gì giúp ba mẹ tôi còn khó, huống hồ gì nếu cần vốn liếng làm ăn hay đầu tư.

Nhưng sau khi viết bài này rồi, thì ít ra, tôi tiêu tiền cũng sẽ phải suy nghĩ và cân nhắc hơn. Tôi hi vọng thế. À không! Tôi quyết tâm, phải làm được như thế! Hihi…

Ghi chú: Các tài liệu, nhân vật đã đề cập trong bài viết:

Đoàn Nguyên Đức: 20 năm chưa được đi du lịch. Báo VnExpress ngày 27/09/2011

40 cách để tiết kiệm như Warren Buffett . Báo VnExpress ngày 08/01/2012

Thầy Nguyễn Thái Duy, giám đốc trường học làm chủ BeTraining.

(nguồn: http://nguyencongblog.com)